06Th3
Tranh chấp đất đai
CÂU HỎI
Nhà ba tôi hiện đang ở là trên mảnh đất được cấp sổ đỏ cấp từ năm 1998 với diện tích 1200m2. Nguyên thủy trên mảnh đất này, trước đây, có 2 gia đình anh em ruột sống trên đó (không phân chia ranh giới) là ông bà nội tôi và ba mẹ của cô Tuyết. Sau khi cha mẹ cô Tuyết qua đời một thời gian, cô Tuyết đã bỏ quê hương đi biệt từ năm 1990 và đến năm 2002 cô quay về chơi rồi cô đi tiếp đến năm 2005 về lại. Trong thời gian này ba tôi thừa kế đất do ông bà để lại và canh quản đất của ba mẹ cô Tuyết, nhưng khi Nhà nước phổ biến làm sổ đỏ cho toàn dân cô Tuyết không có mặt tại địa phương nên ba tôi đã đăng ký quyền sử dụng đất và được cấp sổ đỏ hợp pháp trên toàn bộ khuôn viên đất của cả 2 gia đình. Khi cô quay về ba tôi có chia cho cô khoảng 170m2 trên mảnh đất khác để cô làm nhà ở đến nay. Nay, cô lại kiện ba tôi về việc sở hữu đất của cha mẹ cô, như thế là đúng hay sai? Ba tôi không cố ý cướp đoạt hay tranh giành gì cả mà bị tố cáo như vậy thì nên giải quyết như thế nào cho hợp tình hợp lý?
Người gửi: Nguyen Thi Hong Hoa
TRẢ LỜI CÓ TÍNH CHẤT THAM KHẢO
Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi có một số ý kiến tư vấn như sau: Tranh chấp giữa ba bạn và cô Tuyết ở đây liên quan đến quyền sử dụng đất là di sản thừa kế mà bố mẹ cô Tuyết mất để lại cho cô. Theo các dữ kiện mà bạn cung cấp có thể thấy nguồn gốc mảnh đất mà ba bạn đứng tên có nguồn gốc là tài sản chung giữa ông bà bạn và bố mẹ cô Tuyết. Vì vậy, khi bố mẹ cô Tuyết mất và không để lại di chúc thì cô Tuyết với tư cách là con đẻ, người thừa kế duy nhất theo pháp luật sẽ có quyền sở hữu phần đất mà bố mẹ cô Tuyết để lại trong phần diện tích đất chung đó. Theo đó, việc cô Tuyết kiện ba bạn để lấy lại quyền sở hữu đối với mảnh đất là di sản thừa kế của ba mẹ cô là có cơ sở.
Về hướng giải quyết vụ án, chúng tôi có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về thời hiệu khởi kiện: Căn cứ khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện để người thừa kế (Cô Tuyết) yêu cầu chia quyền sử dụng đất mà bố mẹ cô để lại là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm bố mẹ cô qua đời). Sau thời hạn này thì quyền sử dụng đất sẽ thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu tài sản (bố bạn). Do bạn chưa cung cấp cụ thể ngày bố mẹ cô Tuyết mất nên chưa thể kết luận việc cô Tuyết đã hết thời hiệu khởi kiện hay chưa?
Thứ hai, về việc bố bạn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đối với toàn bộ diện tích 1.200m2 vào năm 1998: Theo các quy định của Bộ luật dân sự thì trường hợp bố bạn được coi là người quản lý di sản do là người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản. Theo các thông tin mà bạn cung cấp thì bố bạn là người đứng ra quản lý và sử dụng mảnh đất này kể từ thời điểm bố mẹ cô Tuyết mất và cô Tuyết đã không tham gia quản lý và sử dụng mảnh đất đó. Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Luật đất đai năm 1993 thì Nhà nước sẽ thu hồi đất trong trường hợp người sử dụng đất không sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng liền mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất đó cho phép hoặc người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Theo đó, việc cô Tuyết bỏ đi từ năm 1990 đến năm 2002 có thể khiến mảnh đất cô Tuyết được hưởng thừa kế bị thu hồi. Vì vậy, việc bố bạn đứng ra để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với cả hai mảnh đất là có cơ sở nhằm bảo vệ di sản thừa kế này cho cô Tuyết. Việc bố bạn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng hoàn toàn hợp pháp bởi căn cứ vào khoản 1 Điều 2 Luật đất đai năm 1993 thì người sử dụng đất ổn định, được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Tuy nhiên, do bố bạn là người thực hiện quản lý di sản thừa kế (quyền sử dụng đất của bố mẹ cô Tuyết) nên bố bạn có nghĩa vụ giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế là cô Tuyết. Cô Tuyết phải thanh toán cho bố bạn thù lao đối với việc quản lý di sản thừa kế và các chi phí có liên quan đến việc bảo quản di sản thừa kế.
Thứ ba, quan điểm giải quyết tranh chấp: Trong tranh chấp này có thể thấy, bố bạn cũng đã thừa nhận nguồn gốc đất mà gia đình bạn đang sở hữu có nguồn gốc xuất phát từ tài sản chung giữa ông bà bạn và bố mẹ cô Tuyết. Bên cạnh đó, bố mẹ bạn cũng đã cho cô Tuyết 170m2 trên mảnh đất khác để cô làm nhà ở đến nay. Đây có thể được coi là sự đền bù đối với phần diện tích đất mà cô Tuyết được hưởng thừa kế nhưng hiện tại do bố bạn sở hữu. Lý do cô Tuyết khởi kiện đòi lại phần diện tích thuộc tài sản thừa kế của mình có lẽ xuất phát một phần từ giá trị chênh lệch giữa 170m2 cô đang sử dụng và phần diện tích cô được thừa kế. Tranh chấp này giữa gia đình bạn và cô Tuyết hoàn toàn có thể giải quyết thông qua biện pháp hòa giải, mà không cần khởi kiện ra tòa án. Bởi lẽ, nếu đưa vụ việc này ra tòa án, ngoài chi phí tốn kém, mất thời gian công sức do quá trình giải quyết kéo dài thì việc giải quyết tranh chấp tại tòa án còn làm ảnh hưởng tới tình cảm họ hàng giữa hai gia đình. Bên cạnh đó, nếu tính đến chi phí quản lý đất đai mà bố mẹ bạn bỏ ra để quản lý tài sản thừa kế cho cô Tuyết, thù lao quản lý di sản cùng với giá trị mảnh đất 170m2 bố mẹ bạn cho cô Tuyết và chi phí bỏ ra để khởi kiện thì giá trị còn lại mà cô Tuyết được hưởng nếu thắng kiện cũng không phải quá lớn. Vì vậy, tranh chấp này hoàn toàn có thể hòa giải nhằm bảo đảm quyền lợi tối đa cho cả hai bên. Ngoài ra với những lý lẽ chúng tôi đã phân tích ở trên, việc khởi kiện đối với cô Tuyết có thể không có lợi cho cô.
Với những tư vấn trên, hy vọng gia đình bạn và cô Tuyết sẽ sớm tìm được tiếng nói chung.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp