Đóng

Hỏi đáp BĐS

19Th5

Quy định về quyền tố cáo của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020 – Luật sư giỏi ở nhà Bè

Câu hỏi:

Tôi thấy trong Luật Doanh nghiệp 2020 không còn quyền tố cáo của doanh nghiệp nữa. Như vậy có phải doanh nghiệp mất quyền tố cáo không? Quy định như vậy có ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp?

Trả lời:

Quy định hiện nay:

Tại khoản 10 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, doanh nghiệp có quyền: “Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo”. Tuy nhiên, theo Luật doanh nghiệp năm 2020, khoản 10 Điều 7 đã được điều chỉnh với nội dung như sau: “Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, quy định mới tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ quy định về quyền tố cáo của doanh nghiệp. Do đó, kể từ 01/01/2021, doanh nghiệp sẽ không có quyền tố cáo.

Sự thay đổi này là để phù hợp hơn với quy định về tố cáo theo pháp luật có liên quan. Cụ thể: 

Khoản 4 Điều 2 Luật Tố cáo 2018: “Người tố cáo là cá nhân thực hiện việc tố cáo” . Tương tự, Điều 478 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo những hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong hoạt động tố tụng dân sự…”.

Pháp luật quy định người tố cáo chỉ có thể là cá nhân nhằm cá thể hóa trách nhiệm của người tố cáo. Người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi tố cáo của mình, nếu tố cáo sai sự thật thì phải bị xử lý về hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

Do đó, cơ quan, tổ chức không được quyền tố cáo để tránh phát sinh những vấn đề phức tạp trong việc xác minh thông tin về người tố cáo, việc bảo vệ bí mật, xác định trách nhiệm của người tố cáo trong trường hợp tố cáo sai sự thật.

Quyền lợi của doanh nghiệp có bị ảnh hưởng không?

Xét dưới góc độ quyền của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể thực hiện những biện pháp cần thiết, phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Thực tiễn cho thấy, chủ thể thực hiện việc tố cáo là cơ quan, tổ chức là không nhiều. Nội dung tố cáo của nhóm chủ thể này thường thiên về phản ánh, kiến nghị (theo Đề án 1 -1133/QĐ-TTg của Thanh tra chính phủ). Trên thực tế, dựa trên vụ việc năm 2020, một công ty tố cáo cán bộ nhà nước về hành vi dùng ảnh hưởng của mình liên tục gây sức ép lên hoạt động kinh doanh, việc tố cáo được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của công ty này. Trong quá trình xử lý tố cáo, cơ quan chức năng cũng gửi giấy mời người đại diện tố cáo lên làm việc, bởi theo nguyên tắc, tổ chức không đứng ra tố cáo được.

Kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể chi tiết về quyền tố cáo của doanh nghiệp. Từ đó, quy trình, thủ tục thực hiện tố cáo được áp dụng không quá khác nhau. Kết quả giải quyết tố cáo của hai chủ thể này cũng là như nhau nếu việc tố cáo đúng với quy định của pháp luật.

Do vậy, cá nhân thuộc doanh nghiệp hoặc bất kì ai, khi phát hiện vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, tổ chức, họ hoàn toàn có thể tự mình đứng ra tố cáo và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu nội dung tố cáo đúng sự thật, thực tế có hành vi trái pháp luật, người bị tố cáo sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm minh, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức sẽ được khôi phục.

Kết luận:

Mặc dù có sự thay đổi trong quy định về quyền tố cáo của doanh nghiệp, điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp không còn được bảo vệ bởi pháp luật. Với cách thức khác hơn – thông qua cá nhân, lợi ích của doanh nghiệp vẫn được bảo đảm, giúp doanh nghiệp có thể hoạt động trong môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, ổn định.

error: Xin đừng làm vậy !!